Mở toang, không điều hòa, không cửa kính sang trọng những quán cà phê kiểu mới dạng ghế gỗ, ngồi tràn ra vỉa hè lại đang là trào lưu mới.
Trào lưu cà phê vỉa hè
Song song với cơn lốc tiệm trà chanh thì phân khúc dành cho nhóm khách văn phòng là cà phê cũng có những cải tiến mới để bắt kịp xu thế. Điều dễ dàng nhận thấy ở những quán phong cách mới này là kiểu nội thất đơn giản, có pha trộn một ít thập niên cũ. Bàn ghế thường được làm bằng gỗ tạp, thấp lùn, nội thất cũng được trang trí đơn giản. Điều khác biệt so với các quán cà phê sang chảnh trước đây, những thương hiệu cà phê kiểu mới đã không còn điều hòa, phòng kính sang trọng.
Ngay tại ngã tư Bà Triệu - Thái Phiên, đối diện với Starbucks hạng sang là loạt quán cà phê ghế gỗ, ngồi vỉa hè. Với mức giá bình dân, các quán cà phê này luôn đông đúc khiến cho các chuỗi cà phê cao cấp phải ghen tỵ.
Một năm trở lại đây, không nằm ngoài “cơn bão” thương mại hoá, việc hợp tác theo hình thức nhượng quyền diện rộng, mở cửa cho nhiều đối tác đầu tư tham gia và phát triển hình thành chuỗi quán cà phê có mặt ở các vị trí vàng, ngày một “nổi tiếng” trên thị trường.
Dọc các con phố trung tâm như phố Huế, Bà Triệu, các ngã tư đều xuất hiện các quán cà phê với mô hình trên. Trên thị trường xuất hiện nhiều quán cà phê vận hành theo mô hình nhượng quyền, bên cạnh đó có nhiều quán cà phê tương tự nhỏ lẻ, quy mô 1-2 quán.
Là người thường xuyên ngồi uống ở quán cà phê, anh Đặng Văn Hùng cho hay, các quán cà phê này mang tới cho khách hàng cảm giác thân thiện, không còn bó hẹp trong một không gian cửa kính mà mở rộng ra ngoài. Khách hàng cũng dễ dàng lựa chọn với nhiều menu đồ uống và hạt hướng dương, đồ ăn vặt.
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, chuỗi cửa hàng cà phê là loại hình phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua với doanh thu hàng năm tăng khoảng 32%. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm của cà phê hạt dành cho chuỗi cà phê Việt Nam, theo tiết lộ của các DN sản xuất cà phê, lên đến 300%.
Còn theo nghiên cứu của Học viện Marketing ứng dụng (I.A.M), có tới 65% người tiêu dùng Việt Nam uống cà phê 7 lần/tuần. Sức hấp dẫn của thị trường này do 2 yếu tố: Dân số tới 90 triệu người, trong đó 65% người trẻ; thói quen ngồi quán và uống cà phê của người Việt Nam ngày càng tăng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 20.000 quán cà phê lớn, nhỏ và thị trường này được dự báo vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới.
Gánh nặng địa điểm
Theo chia sẻ của một người làm trong ngành đồ uống, yếu tố chính quyết định sự thành công của kinh doanh cà phê là địa điểm, địa điểm và địa điểm. Vì địa điểm đẹp là yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ thành công của một quán cà phê. Chính vì thế, dễ nhận thấy các quán đông khách đều ở vị trí khá đẹp.
Để mở một cửa hàng, nhiều người đã dốc hết vốn liếng cho số tiền ban đầu xây dựng quán và trả tiền thuê mặt bằng. Vì vậy, không ít chủ quán gặp khó khăn khi thiếu hụt quỹ tiền mặt trong nửa năm đầu.
Một chủ quán tiết lộ, ông bị ép giá khi khi biết anh kinh doanh cà phê nhượng quyền. Nếu tự mở quán thì phí thuê 40 triệu, còn mở quán nhượng quyền của thương hiệu thì 60 triệu. Nếu muốn kinh doanh ổn định, khách thuê buộc phải ký hợp đồng lâu dài ít nhất 1-2 năm.
Mặc dù vậy, ông vẫn lo lắng có trường hợp, khi chủ nhà thấy làm ăn tốt thì yêu cầu tăng giá thuê hoặc đòi lại nhà không cho thuê nữa để tự làm. “Doanh thu còn chỉ đủ nuôi mặt bằng. Nên trước khi quyết định, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, đừng dựa vào cảm hứng”, ông chia sẻ.
Đầu tư là một quá trình dài hạn, nhưng chi phí hoạt động có thể “giết chết” chuỗi nếu không có sự phân bổ hiệu quả và thông minh.
Bài toán về vốn - doanh thu và mô hình triển khai là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều thương hiệu cafe chen chân vào phân khúc đồ uống tưởng như tiềm năng này phải dứt áo ra đi, đóng cửa sau thời gian ngắn hoạt động.
Năm 2013, cái tên Tonkin đồng loạt xuất hiện lên trang nhất nhiều tờ báo kinh doanh lớn, nhưng không phải vì thương hiệu mạnh hay vì cốc cà phê ngon, mà bởi nghi án “bị siết nợ” và phải đồng loạt đóng cửa tạm thời. Tonkin đã không lượng sức khi vừa bung nóng về số lượng cửa hàng, lại bán thêm đồ ăn tại các quán cà phê, gây áp lực không nhỏ đến nguồn lực nhân sự của thương hiệu này.
Bên cạnh đó, cà phê đang nở rộ theo trào lưu giới trẻ. Tuy nhiên, đây lại là lợi thế không bền vững vì nó hướng vào nhóm tuổi khá trẻ, những người rất dễ bị tác động bởi cái mới và vòng đời khách hàng không cao. Họ nhanh chóng tìm tới những thương hiệu mới ra đời, lạ hơn, đẹp hơn. Chính vì thế, kinh doanh cà phê không phải là “một vốn bốn lời” như nhiều người nghĩ.